Nhóm gen và giống:Nguồn gen nước lợ, mặn
I. THÔNG TIN CHUNG
1. Tên nguồn gen: Cua hoàng đế Ranina ranina (Linnaeus, 1758)
Hình 1: Cua hoàng đế Ranina ranina (Linnaeus, 1758)
2. Mức độ nguy cấp
- Tiêu chuẩn IUCN: VU
- Tiêu chuẩn Việt Nam: VU
3. Hệ thống phân loại:
Ngành: Arthropoda
Lớp: Crustacea
Bộ: Decapoda
Họ: Raninidae
Giống: Ranina
Loài: Ranina ranina(Linnaeus, 1758)
Tên tiếng Việt: Cua hoàng đế, cua huỳnh đế, cua đế.
Tên tiếng Anh: Spanner crab, kona crab, red frog crab.
4. Đặc điểm phân bố
Cua huỳnh đế được tìm thấy ở vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong vùng nước có độ sâu từ 10 m đến 70 m (Kennelly và Scandol, 2002). Chúng phân bố nhiều ở vùng biển phía đông của Australia (từ Yeppoon của Queensland tới Nowra của New South Wales); từ Quinn Rocks miền Bắc của Perth tới Houtman Abrolhos và Geraldton phía Tây Australia. Ngoài ra chúng còn phân bố ở một số vùng khác: phía đông của châu Phi băng qua vùng biển Ấn Độ tới Indonesia, Nhật Bản, Hawaii và một số nước châu Á khác (Brown, 1986).
Loài cua này thích nghi với nền đáy cát. Ở Seychelles, chúng thường được tìm thấy ở độ sâu 40 – 60 m, trong khi ở Australia, chúng phân bố trong vùng nước từ 0 – 80 m; ở Hawaii là 2 – 200 m. Theo Brown (1986), giai đoạn con non và con trưởng thành cua hoàng đế phân bố trong vùng nước sạch, thích nghi với hoạt động đào bới trong đáy cát mềm và thường hướng tới vùng nước nông, môi trường nước biển tương đối ổn định. Chính bởi những nguyên nhân này nên không hoặc rất ít thấy sự xuất hiện của chúng ở vùng cửa sông, vùng đá ngầm hay đáy đá thô .
Theo Mauchline và Oban (1986), cua thường vùi mình trong cát hầu hết thời gian trong ngày, chỉ nổi lên trung bình khoảng 1,7 giờ/ngày và thường trong khoảng thời gian từ 16 – 24 giờ, ít thấy xuất hiện lúc 1 – 5 giờ. Điều này có thể giải thích do hoạt động kiếm ăn của chúng. Con đực thường nổi lên nhiều hơn so với con cái, đặc biệt là khi mang trứng, cua cái rất ít để lộ mình lên khỏi mặt cát.
Ở Việt Nam, theo một số thông tin về việc đánh bắt loài cua này cho thấy: cua phân bố ở khắp biển ven bờ Việt Nam nhưng chủ yếu ở vùng biển miền Trung, tập trung nhiều ở hai vùng: Sa Huỳnh (Quãng Ngãi) và Tuy Phong (Bình Thuận). Ở Khánh hòa, cua có phân bố ở vùng ven một số đảo ở vịnh Vân Phong, Nha Trang như Hòn Tre, Hòn Miếu, Hòn Đỏ…, và ngay ở độ sâu chừng 0,5 m nước đã bắt gặp sự xuất hiện của chúng. Tuy nhiên, cho đến nay, nguồn lợi loài cua này là tương đối khan hiếm. Về mùa vụ đánh bắt: khoảng từ tháng 1 – 10, phong phú nhất vào khoảng từ tháng 7 đến tháng 10. Riêng cua ôm trứng có thể bắt gặp hầu hết các tháng trong năm, ngoại trừ tháng 11 chưa thu được (Nguyễn Văn Chung và Hà Lê Thị Lộc. 2007).
Hình 2: Vùng phân bố tự nhiên của cua hoàng đế trên thế giới (eol.org)
5. Năm bắt đầu lưu giữ:2009.
6. Nguồn gốc thu thập: Khánh Hòa, Bình Thuận.
7. Địa điểm lưu giữ: Nha Trang.
8. Hình thức lưu giữ: Bể xi măng.
9. Số lượng cá thể: 67 cá thể
II. ĐÁNH GIÁ NGUỒN GEN
Bảng 1: Nội dung đánh giá nguồn gen và kết quả đạt được
STT |
Nội dung đánh giá |
Phương pháp đánh giá |
Đơn vị thực hiện |
1 |
Đặc điểm hình thái phân loại |
Thực nghiệm |
Viện NCNTTS III |
2 |
Sinh học sinh sản |
Thực nghiệm |
Viện NCNTTS III |
3 |
Khả năng sinh sản |
Thực nghiệm |
Viện NCNTTS III |
4 |
Đặc điểm di truyền |
mtDNA |
Viện NCNTTS III |